Tin tức

VFF ‘dứt tình’ với HLV Troussier: Giữa trắng và đen

Thứ năm, 28/03/2024 07:00
Đánh giá
Facebook Twitter Google Myspace
VFF đã sai lầm khi lựa chọn HLV Troussier nhưng ĐT Việt Nam hiện đang gặp vấn đề ở nhân sự mà chúng ta không chịu thừa nhận. Đó là sự cộng hưởng giữa trắng và đen, tạo nên bức tranh xám xịt cho ĐTQG trong suốt 1 năm qua.

1. Sân Mỹ Đình tối 26/3 không đầy ắp như thường lệ nhưng vẫn đủ náo nhiệt để tiếp lửa cho ĐT Việt Nam. Tất cả đều hi vọng đoàn quân áo đỏ sẽ thể hiện tinh thần phản kháng mãnh liệt sau thất bại ở lượt đi. Nhưng chỉ sau hiệp 1, CĐV đã lần lượt ra về trong nỗi thất vọng vì ĐT Việt Nam vẫn vậy, vẫn nhạt nhòa và thiếu sức sống.

Trớ trêu thay, ở thời điểm cuối trận, NHM Việt Nam còn ăn mừng bàn thắng nâng tỉ số lên 3-0 của Indonesia. Nó giống như cách để giải tỏa sự tra tấn về tinh thần sau 90 phút dài dằng dặc. Thay vì cổ vũ ĐT Việt Nam, khán đài sân Mỹ Đình vang dậy khẩu hiệu “Sa thải Troussier”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ĐT Việt Nam để thua Indonesia 3 trận liên tiếp và cũng là lần đầu tiên sau 2 thập kỉ sân Mỹ Đình bị đội bóng xứ vạn đảo “đánh sập”. Cay đắng, tủi nhục và ê chề… Đó là cảm giác chung của NHM Việt Nam sau trận đấu vừa qua. Không ai dám tin 1 đội tuyển từng khiến Indonesia sợ hãi lại xuống dốc thê thảm như vậy.

Thất bại này khó nuốt trôi với NHM. Và như giọt nước tràn li, LĐBĐ Việt Nam (VFF) buộc phải chấm dứt hợp đồng với HLV Philippe Troussier ngay trong đêm. Sự dồn nén đã được đẩy lên tận cùng. ĐT Việt Nam vẫn chưa chính thức hết hi vọng tranh vé dự vòng loại thứ 3 nhưng sự chịu đựng trong suốt 1 năm qua đã đủ. Troussier không thể tiếp tục bởi sự kiên nhẫn đã tới giới hạn…

Sau thất bại của ĐT Việt Nam, HLV Troussier tiếp tục để lại hình ảnh bị gọi là xấu. Trong khi các cầu thủ đi quanh SVĐ tri ân và xin lỗi CĐV vì màn trình diễn kém cỏi, nhà cầm quân người Pháp lại thoải mái đứng dưới sân trò chuyện cùng các trợ lí. Hình ảnh này không còn xa lạ, bị coi là phản cảm khi NHM cần sự vỗ về.

Thất bại lớn nhất của HLV Troussier là văn hóa ứng xử. Ông đã sai lầm khi tự đặt mình vào thế đối đầu truyền thông và NHM. Trước trận lượt đi với Indonesia ở Jakarta, ông khẳng định chắc nịch rằng 80% NHM Việt Nam muốn đội tuyển thất bại để ông bị sa thải. Nếu có điều kiện, chắc hẳn nhiều CĐV sẽ nói thẳng với Troussier rằng “Chúng tôi muốn sa thải ông nhưng không bao giờ muốn đội tuyển thất bại”.


Trước sức ép từ truyền thông và NHM, VFF buộc phải chấm dứt hợp đồng với Troussier

Cứ cho rằng Troussier là người giỏi chuyên môn nhưng không ai dám chắc nhà cầm quân này đã tìm hiểu kĩ văn hóa ở Việt Nam để bắt đầu triều đại của mình. Có cảm giác ông nhận lời dẫn dắt ĐT Việt Nam với vị thế “kẻ khai sáng” chứ không phải 1 HLV thực thụ.

Trước truyền thông, HLV Troussier cũng hiếm khi nhận trách nhiệm, không dám nhìn thẳng vào sự thật và luôn né tránh thất bại. Đến từ châu Âu, nhà cầm quân người Pháp có thể khác biệt về phong cách làm việc. Nhưng với sự khác biệt đó, rất khó để mọi thứ trở nên hài hòa. Ai dám chắc các cầu thủ đã hết mình vì Troussier!?

Bài viết không bàn về chuyên môn của Troussier bởi màn trình diễn của đội tuyển trong suốt 1 năm qua đã nói lên tất cả. Đội tuyển có lúc thăng, lúc trầm nhưng cách hành xử của nhà cầm quân người Pháp là điều không thể chấp nhận. Ông phải ra đi như điều tất yếu!

2. Tức giận và chê bai. Đó là sự phản ứng của NHM với HLV Troussier. Dễ hiểu thôi bởi trước đó, ĐT Việt Nam đã trải qua 5 năm tươi sáng dưới thời Park Hang-seo với rất nhiều hi vọng. Sự kì vọng càng cao thì nỗi thất vọng càng lớn. NHM coi Troussier là ngọn nguồn của thất bại nhưng liệu nó đã đúng hoàn toàn?


Đây là thời điểm nhiều trụ cột của ĐT Việt Nam đã xuống phong độ và động lực

Giống thành công, thất bại là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nó là bức tranh pha trộn giữa trắng và đen, tạo nên màu xám xịt cho bóng đá Việt Nam trong suốt 1 năm qua. Troussier thất bại những sẽ là quá lời nếu nói ông là “kẻ phá hoại”.

Quan điểm của Troussier có những giá trị nhất định mà chúng ta phải tôn trọng, đó chính là chiến lược trẻ hóa đội hình. Ông đề cao tuyến trẻ không phải để đập bỏ di sản của Park Hang-seo mà nhận ra lứa thế hệ cũ đã xuống phong độ và vơi cạn động lực. NHM có thể cảm nhận rõ điều đó qua màn trình diễn của các cầu thủ trụ cột từ cấp CLB tới ĐTQG.

Thực tế, ở giai đoạn cuối mà HLV Park Hang-seo nắm quyền, thế hệ vàng của ĐT Việt Nam đã xuống phong độ trông thấy. Không phải ngẫu nhiên mà ĐT Việt Nam liên tiếp thất bại ở AFF Cup 2020 và 2022. Chúng ta không có tuyến trẻ để bù đắp và cũng quá an toàn khi liên tiếp dùng lứa cầu thủ mà cho rằng họ có thể mơ tấm vé World Cup.

HLV Hoàng Anh Tuấn cũng ủng hộ chiến lược trẻ hóa đội hình của Troussier, cho rằng đây là xu hướng chung của bóng đá thế giới. Tuổi trẻ có thể non kinh nghiệm, yếu bản lĩnh nhưng có sức mạnh tiềm tàng, cũng giống thời điểm Quang Hải hay Hoàng Đức ra mắt ĐTQG. Quan trọng hơn, nó tạo nên tính kế thừa sau này.

Khi Troussier thất bại, người ta có thể tìm mọi lí do để chỉ trích ông như việc từng bỏ rơi Hoàng Đức và Quang Hải. Nhưng đấy chỉ là kiểu “đếm cua trong lỗ”, quá thần thánh lứa thế hệ cũ mà không chịu thừa nhận rằng họ không còn là chính mình.

Ở đây, không có sự phân biệt trắng đen rạch ròi mà là sự pha trộn tổng hòa. Nếu nhìn lại quá khứ, ĐT Việt Nam cũng từng trải qua nhiều giai đoạn đứt mạch vì sóng trước đã qua, sóng sau chưa tới. Đình Bắc, Thái Sơn hay Văn Khang là những cầu thủ trẻ cần được mài giũa để tiếp bước các đàn anh…


HLV Troussier không sai với chiến lược trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ

3. Trước mắt, LĐBĐ Việt Nam (VFF) sẽ phải tìm HLV thay thế Troussier. Chưa biết VFF sẽ bổ nhiệm ai nhưng đó chỉ là bề nổi. Park Hang-seo từng rất “mát tay” với ĐT Việt Nam nhưng đó là thời điểm khác với 2 tuyến trẻ rất tiềm năng là lò HAGL và tuyển U20 dự World Cup 2017. Mọi thứ đã cộng hưởng, phát triển đi lên từ sự thăng hoa bất ngờ ở VCK U23 châu Á 2018.

Ở thời điểm hiện tại, ngay cả khi trở lại, HLV Park cũng khó lòng tạo nên sự khác biệt. Không phải ngẫu nhiên mà chiến lược gia người Hàn Quốc quyết định dừng lại dù vẫn được VFF và NHM tín nhiệm. Ông là người hiểu rõ hơn ai hết chu kì thành công đã qua sau 2 thất bại liên tiếp ở AFF Cup.

Tất nhiên, HLV đóng vai trò quan trọng bởi họ quyết định chọn người, định hướng lối chơi, sử dụng đấu pháp và nhận trách nhiệm về thành công hay thất bại của ĐTQG. Nhưng HLV dù giỏi đến đâu cũng không thể phát huy hết năng lực nếu không có lứa cầu thủ tốt trong tay. Vấn đề của đội tuyển hiện tại là khoảng trống giữa 2 thế hệ.


Thêm 1 lần nữa ĐT Việt Nam rơi vào khoảng hổng giữa 2 thế hệ

Bài học ở đây chính là công tác đào tạo trẻ. VFF phải xây dựng chiến lược lâu dài, hỗ trợ các CLB nâng cao chất lượng đào tạo trẻ bởi đây là gốc rễ để hướng tới các mục tiêu lâu dài. Rất khó để ĐT Việt Nam tiến xa nếu chỉ lâu lâu tạo ra 1-2 thế hệ chất lượng rồi mất hút. Đây cũng là vấn đề của những nền bóng đá kém phát triển.

Qua thất bại của HLV Troussier, VFF cũng nhận được 1 bài học về cách lựa chọn HLV. Không thể khẳng định Troussier kém năng lực nhưng ít nhất, ông không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Cách làm việc kiểu Âu, có phần lí tính có thể tốt ở đây nhưng lại rất tệ ở nơi khác.

Dù HLV được bổ nhiệm là ai, NHM có thể sẽ phải chờ đợi thêm nhiều năm để thấy quả ngọt…

Hoàng Hà
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!