Vì sao Chelsea chi đậm vẫn không lo vi phạm FFP? |
|
Chelsea đã chi số tiền rất lớn cho chuyển nhượng dưới thời Todd Boehly, gần cán mốc 1 tỉ bảng. Tuy vậy, đội bóng Tây London đã khôn khéo tận dụng kẽ hở của FFP để chi nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn. |
Chelsea sắp cán mốc 1 tỉ bảng chi cho chuyển nhượng dưới thời Todd Boehly Sau khi về tay tỉ phú Todd Boehly, Chelsea đã cải tổ đội hình theo hướng không tưởng. Ở mùa giải trước, The Blues đã phá kỉ lục với mức chi hơn 600 triệu bảng. Và trong hè này, The Blues tiếp tục ném hơn 300 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng. Trong đó, đáng kể nhất là thương vụ Moises Caicedo với mức chi 115 triệu bảng. Chỉ trong vòng ít tháng, Chelsea đã 2 lần phá kỉ lục chuyển nhượng của Premier League với mức chi dành cho 1 cầu thủ. Cuộc cải tổ của The Blues có thể chưa dừng lại bởi đội bóng này đang rục rịch đón thêm các tân binh khác như Romeo Lavia hay Michael Olise. Theo tính toán, Chelsea sẽ chi vượt ngưỡng 1 tỉ bảng cho chuyển nhượng từ mùa hè năm ngoái tới nay. Không CLB nào trên thế giới đang vận hành theo cách của Chelsea. Ngày càng nhiều CLB phàn nàn với Premier League về mức chi của Chelsea. Vậy vì sao The Blues chi rất đậm nhưng không lo vi phạm Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP)? Hầu hết mọi người chỉ nghĩ tới phí chuyển nhượng khi đánh giá khả năng tài chính của các CLB. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Ví dụ: CLB A mua cầu thủ với giá 50 triệu bảng và kí HĐ 5 năm với mức lương 100 nghìn bảng/tuần. CLB B kí hợp đồng với 1 cầu thủ theo dạng tự do và trả mức lương 400 nghìn bảng/tuần. Ở ví dụ trên, bạn nghĩ thương vụ nào đắt hơn dựa trên đánh giá hàng năm? Câu trả lời là cầu thủ của CLB B. Với mức lương hàng tuần là 400 nghìn bảng/tuần, cầu thủ này sẽ hưởng lương hơn 20 triệu bảng/năm. Còn với CLB A, tổng chi phí chuyển nhượng 50 triệu bảng được khấu hao trong 5 năm. Còn mỗi năm, họ chỉ phải trả cho cầu thủ khoảng 15 triệu bảng tiền lương. Xem xét theo cách như vậy, Erling Haaland (tới Man City vào hè 2022) có thể mới là thương vụ tốn kém nhất lịch sử bóng đá Anh. Man City không chỉ phải trả 51 triệu bảng để phá hợp đồng, chi tiền lót tay, phí trung gian mà còn phải gánh khoản lương khổng lồ của tiền đạo người Na Uy. Chelsea của Boehly đang khai thác giới hạn pháp lí của việc khấu hao chuyển nhượng với HĐ dài hạn Đấy là cách hoạt động của FFP. Chelsea đã khai thác giới hạn pháp lí của việc khấu hao (quá trình phân bổ phí chuyển nhượng theo thời hạn hợp đồng) để có thể chi tiêu lớn hơn. Thực tế, hầu hết các hợp đồng của The Blues từ mùa hè năm ngoái tới nay đều có thời hạn từ 7-8 năm. LĐBĐ châu Âu (UEFA) buộc phải điều chỉnh luật FFP từ hè này khi quy định phí chuyển nhượng chỉ có thể được khấu hao tối đa 5 năm bất kể thời hạn hợp đồng là bao lâu. Premier League có thể cũng sẽ sớm thay đổi quy định theo cách tương tự. Tuy nhiên, ngay cả khi lỗ hổng FFP này bị bịt lại, khấu hao vẫn là công cụ mạnh mẽ giúp Chelsea tăng khoản chi. Họ đã tận dụng để đạt hiệu quả trước khi quy định được thay đổi. Hơn nữa, Chelsea không được tham dự cúp châu Âu mùa này nên không phải lo ngại nguy cơ nhận án phạt của UEFA. Họ có nhiều thời gian để tự cân đối tài chính để đảm bảo không thua lỗ 90 triệu euro trong khoảng thời gian 3 năm theo quy định của UEFA. Ngoài ra, Chelsea không chỉ mua cầu thủ. Từ mùa hè năm ngoái, họ đã thu về 250 triệu bảng từ việc bán cầu thủ. Trong đó, có khoảng 200 triệu bảng được thu về trong hè này sau các thương vụ Havertz, Mount, Kovacic, Pulisic, Koulibaly hay Mendy. Số tiền thu về tất nhiên không đáng kể so với mức chi của Chelsea nhưng nó được tính toán lập tức vào sổ sách, có thể cân bằng chi phí khấu hao. Theo thống kê của The Athletic, trong 3 kì chuyển nhượng dưới thời Boehly, chi tiêu khấu hao ước tính của Chelsea là 157,2 triệu bảng. Con số này gần như đã được bù đắp bằng lợi nhuận kế toán từ việc bán cầu thủ cùng thời kì (149,6 triệu bảng). Chelsea đã cân đối tài chính bằng việc bán nhiều cầu thủ có mức lương cao Từ mùa giải 2023-24, FFP đã được nới lỏng. Các CLB có tình hình tài chính tốt được phép lỗ tới 90 triệu euro trong vòng 3 năm, gấp 3 lần giới hạn cũ là 30 triệu euro. Một vấn đề nữa cũng cần được nói đến là Chelsea đã bán những cầu thủ hưởng lương cao. Ở chiều đến, họ chi số tiền lớn cho chuyển nhượng nhưng những cầu thủ trẻ lại hưởng mức lương khá thấp. Sự thay đổi về cấu trúc lưỡng cũng sẽ mang lại sự lạc quan cho The Blues trong việc cân bằng tài chính. Đây là cách làm việc của người Mỹ. Vẫn còn quá sớm để nói tới nguy cơ Chelsea bị UEFA sờ gáy. Nhưng ít nhất là ở thời điểm, họ lạc quan về tình hình tài chính dù sắp vượt mốc 1 tỉ bảng mua cầu thủ dưới thời Todd Boehly. |
anh2013 |
|
||||||||||||
|