Vì sao Chelsea chi đậm nhưng không bị trừng phạt? |
|
Chelsea đã chi rất đậm cho chuyển nhượng kể từ khi tỉ phú Todd Boehly tiếp quản nhưng vẫn chưa bị Premier League “sờ gáy”. |
Chelsea không vi phạm PSR dù chi rất đậm dưới thời tỉ phú Boehly Do vi phạm luật công bằng tài chính, Everton đã bị BTC Premier League trừ 10 điểm ở mùa giải này. Đội bóng thành phố cảng tiếp tục dính cáo buộc thứ 2, đối mặt án trừng phạt khác. Ngoài ra, Nottingham Forest cũng bị BTC Premier League “sờ gáy”. Câu hỏi đặt ra là tại sao Chelsea không vi phạm Quy tắc Lợi nhuận và Bền vững (PSR) dù đã chi hơn 1 tỉ bảng cho chuyển nhượng dưới thời tỉ phú Todd Boehly? Thực tế, vấn đề không phụ thuộc tất cả vào số tiền chi cho chuyển nhượng. Đầu tiên, phải hiểu rõ Quy tắc Lợi nhuận và Bền vững (PSR) của Premier League. Để tuân thủ PSR, các CLB Premier League không được phép thua lỗ hơn 105 triệu bảng trong giai đoạn 3 năm. Đầu mùa giải này, Everton bị trừ 10 điểm vì ghi nhận khoản lỗ 124,5 triệu bảng ở giai đoạn trước. Mức chi của Chelsea đã gấp 10 lần hạn mức của PSR. Tính cả các thương vụ trong phiên chợ hè 2023, The Blues đã chi hơn 1 tỉ bảng cho chuyển nhượng dưới thời tỉ phú Todd Boehly. Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất, PSR chỉ tính 2 kì chuyển nhượng ở mùa giải 2022-23. Chelsea đã chiêu mộ 9 cầu thủ hồi mùa hè 2022, trong đó có Fofana (75 triệu bảng), Cucurella (60 triệu bảng) và Sterling (47,5 triệu bảng). Tới tháng 1/2023, The Blues mua thêm 8 cầu thủ, trong đó có Enzo Fernandez (106,7 triệu bảng), Mudryk (62 triệu bảng) và Badiashile (35 triệu bảng). Rất khó để xác định con số chính xác vì các thương vụ của Chelsea có các điều khoản phát sinh và chi phí cho mượn. Dù vậy, mức chi của The Blues ở mùa giải 2022-23 khoảng 550 triệu bảng. Số tiền khổng lồ này thực tế không phù hợp để quy kết theo quy định của PSR? Tại sao lại thế? Vấn đề nằm ở thuật ngữ ngày càng trở nên quen thuộc là “khấu hao”. Đây được hiểu là thủ thuật kế toán. Chelsea đã chi nhiều tiền cho chuyển nhượng nhưng kí hợp đồng dài bất thường để khoản phí chuyển nhượng được tính trong khoảng thời gian dài hơn sổ sách. Ví dụ: Chelsea chiêu mộ Mudryk với mức giá 62 triệu bảng nhưng tiền vệ này kí hợp đồng 8 năm rưỡi. Tính theo khấu hao, The Blues chỉ chi 7,3 triệu bảng/năm. Chelsea lách luật với những thương vụ có hợp đồng dài bất thường UEFA và Premier League sau đó đã thắt chặt quy định, hạn chế khấu hao trong vòng 5 năm bất kể thời hạn hợp đồng. Sự thay đổi này nhằm hạn chế những CLB lách luật như Chelsea. Như vậy, nếu tính khấu hao, chi phí ước tính của 15 cầu thủ mà Chelsea đã chiêu mộ ở mùa giải 2022-23 (cộng cả phí mượn Zakaria và Joao Felix) chỉ khoảng 100 triệu bảng. Đấy mới chỉ nói tới chuyện khấu hao chuyển nhượng. Còn ở chiều đi, Chelsea đã thu về kha khá tiền từ việc bán cầu thủ. Chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire khẳng định Chelsea là CLB thành công nhất ở Premier League về mặt bán cầu thủ. Trong 1 thập kỉ qua, lợi nhuận bán cầu thủ (con số được sử dụng để xem xét FFP/PSR) của Chelsea là 706 triệu bảng, gấp đôi so với CLB thứ 2 trong nhóm Big 6 là Liverpool (387 triệu bảng). Trong khi đó, M.U chỉ tạo ra lợi nhuận 133 triệu bảng. Dưới thời Boehly, Chelsea đã bán 11 cầu thủ từ mùa hè 2022 đến 2023. Havertz (62 triệu bảng) là thương vụ mang về số tiền lớn nhất cho The Blues. Ngoài ra, phải kể tới các thương vụ khác như Kovacic (Man City), Koulibaly, Mendi (tới Saudi Arabia). Ngày chốt hợp đồng là 30/6 nên thương vụ Mason Mount (tới M.U với giá 55 triệu bảng vào ngày 5/7) không được tính vào giai đoạn này. > Tổng cộng, Chelsea thu về khoảng 202,5 triệu bảng. Nhưng con số ghi trên tài khoản đã trừ đi giá trị còn lại trong hợp đồng. Chẳng hạn, Havertz còn 2 năm trong 5 năm hợp đồng đã kí, nghĩa là giá trị trên sổ sách của tiền vệ người Đức chỉ khoảng 24,8 triệu bảng. Arsenal đã trả 62 triệu bảng, tương đương mức giá Chelsea đầu tư vào năm 2020. Vì vậy, 37,2 triệu bảng được ghi là lợi nhuận. Tính theo công thức trên, với việc bán 11 cầu thủ, Chelsea thu về 100 triệu bảng ở mùa giải 2022-23. Con số này bù đắp cho phí chuyển nhượng khấu hao. Vì vậy, dù chi tiêu điên cuồng dưới thời Todd Boehly, The Blues vẫn bảo đảm quy tắc của PSR. Ngoài ra, vấn đề phức tạp của PSR là không phải mọi khoản chi đều được tính. Các CLB được phép chi tiền vào cơ sở hạ tầng, các đội nữ và học viện đào tạo trẻ. Số tiền đó không nằm trong hạn mức 105 triệu bảng như quy định. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi với Everton. Đội bóng thành phố cảng khẳng định số tiền đã chi của họ có liên quan tới việc xây dựng SVĐ mới nhưng Premier League vẫn tính khoản chi này. Bán hàng loạt cầu thủ, Chelsea đã bảo đảm cán cân về tài chính Về khoản thu, ở mùa giải 2022-23, Chelsea vẫn chơi ở Champions League, đút túi hàng chục triệu bảng tiền thưởng và lợi tức truyền hình khi vào tứ kết. Hợp đồng truyền hình mới ở Premier League cũng có hiệu lực nên The Blues vẫn thu về số tiền lớn dù kết thúc mùa giải ở vị trí số 12. Quy tắc của PSR tính trong giai đoạn 3 mùa giải, vậy còn 2 mùa giải trước thì sao? Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, PSR đã gộp 2 mùa giải 2019-20 làm một. Ở 2 mùa giải ấy, The Blues lỗ trước thuế trung bình là 60 triệu bảng. Còn ở mùa giải 2021-22, khoản lỗ là 121,4 triệu bảng. Như vậy, tổng khoản lỗ 2 mùa giải trước của Chelsea là khoảng 180 triệu bảng. Nhà phân tích tài chính bóng đá Swiss Ramble dự đoán The Blues sẽ lỗ khoảng 70 triệu bảng ở mùa giải 2022-23. Con số chi tiết không được tiết lộ nhưng Chelsea vẫn nằm trong vùng an toàn nhờ khoản trợ cấp vì đại dịch và các khoản chi cho cơ sở hạ tầng, đội nữ và học viện. Đặc biệt, khác với Everton và Nottingham, The Blues vẫn có doanh thu từ Champions League và các thương vụ chuyển nhượng. Đây là sức mạnh vô hình của các ông lớn. |