M.U chiêu mộ De Ligt: Món hời hay canh bạc? |
|
Ten Hag là người hiểu rõ hơn ai hết tiềm năng bứt phá của Matthijs de Ligt. Ông có thể đưa trung vệ này trở lại với đẳng cấp vốn có nhưng đây cũng có thể là thương vụ thất bại của Man Utd. |
Sau thời gian dài đàm phán, cuối cùng Man Utd đã đạt thỏa thuận chiêu mộ trung vệ Matthijs de Ligt với tổng mức phí chuyển nhượng là 50 triệu euro (42,9 triệu bảng). Trong ít ngày tới, ngôi sao người Hà Lan sẽ tới Anh làm thủ tục kiểm tra y tế và kí hợp đồng với Man Utd. Đây sẽ là tân binh thứ 3 của Man Utd trong hè này, sau Leny Yoro và Joshua Zikrzee. Trong đó, 2 thương vụ De Ligt - Yoro đã khiến M.U phải chi 112 triệu euro, chiếm 72,4% tổng chi phí chuyển nhượng của Quỷ đỏ trong hè này. Điều đó đã thể hiện rõ sự bất an của HLV Ten Hag cho vị trí ở trung tâm hàng thủ. Man Utd đã chia tay Varane và Kambwala nên cần sự thay thế. Nhưng điều quan trọng là Ten Hag không thực sự tin tưởng các lựa chọn khác ở vị trí trung vệ như Maguire, Lindelof hay Evans. Chỉ Lisandro Martinez tạm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà cầm quân người Hà Lan. Ở mùa giải trước, trước lễ Giáng sinh, Ten Hag đã phải 10 lần bài trí cặp trung vệ khác nhau. Câu chuyện này sẽ còn tiếp tục ở Man Utd nếu Ten Hag không tìm được lựa chọn ưng ý. Chấn thương của Leny Yoro càng khiến nhà cầm quân người Hà Lan phải thúc giục M.U chi tiền chiêu mộ De Ligt. “Tôi không rõ Matthijs de Ligt đã thể hiện được 60-80% tiềm năng phát triển của mình hay chưa. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng cậu ấy sẽ trở thành trung vệ số 1 châu Âu”. Ten Hag đã nói như vậy vào năm 2019. Khi ấy, De Ligt mới 19 tuổi, là đội trưởng của Ajax trong hành trình vào bán kết Champions League (2018-19). De Ligt rất giàu tiềm năng, đã cán mốc 100 lần ra sân ở đội 1 Ajax khi vẫn còn tuổi teen. Hiện tại, trung vệ người Hà Lan mới chỉ 24 tuổi, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để bứt phá. Nhiều chuyên gia cho rằng De Ligt gây thất vọng ở Juventus và Bayern Munich vì không hợp đấu pháp. Anh có thể phát huy năng lực của mình khi gặp lại Erik Ten Hag. Tiềm năng của De Ligt được xác định khi trung vệ này vẫn còn là sản phẩm của lò đào tạo trẻ Ajax. Cựu HLV của Ajax, ông Ruben Jongkind, người được giao nhiệm vụ thực hiện tầm nhìn của Johan Cruyff trong những năm diễn ra cuộc cách mạng nhung, từng tranh cãi dữ dội với các HLV khác về vị trí tốt nhất cho De Ligt. Ông khẳng định De Ligt có phẩm chất tốt để chơi ở vị trí tiền vệ. Ông đánh giá cao sự điềm tĩnh và khả năng chuyền bóng của cầu thủ này, phù hợp với vị trí số 6. Nhưng cuối cùng De Ligt được sử dụng ở vị trí trung vệ. Qua 2 mùa giải, Ten Hag vẫn chưa tìm được cặp trung vệ ưng ý cho Man Utd Ở Bundesliga mùa trước, De Ligt đứng thứ 2 về tỉ lệ chuyền bóng chính xác (94,03%). Anh cũng đứng thứ 2 về tính chính xác trong các đường chuyền lên phía trước (85,55%). Đây là chỉ số rất quan trọng bởi từ lâu, Ten Hag đã chỉ trích lối chơi thụ động của các trung vệ. Ông luôn khuyến khích các trung vệ chuyền bóng nhưng phải có chủ đích rõ ràng, là nền tảng để phát huy sự chuyển đổi nhanh trạng thái. Bóng đá hiện đại cần những tiểu tiết để tạo nên sự khác biệt. Theo thống kê, khi De Ligt thi đấu, Bayern Munich ghi trung bình 2,09 bàn/90 phút. Đây là thống kê cao nhất ở góc độ cá nhân của Bundesliga mùa trước. Tất nhiên, đây là mùa giải rất khó khăn của De Ligt bởi anh không nhận được sự tin tưởng của HLV Thomas Tuchel. Nhưng nếu Erik Ten Hag giải quyết được vấn đề của De Ligt, đây có thể trở thành “món hời” chuyển nhượng của Man Utd. Man Utd đã gặp vấn đề ở vị trí trung vệ trong nhiều năm qua. Sân khấu ở Old Trafford đã sẵn sàng để trung vệ người Hà Lan phát huy tiềm năng bứt phá của mình. Nhưng trong bóng đá, rất khó để dự đoán bất cứ điều gì. Rất nhiều bài toán không cho nghiệm đúng như dự tính của các HLV, kể cả khi họ chiêu mộ những cầu thủ đã nhuần nhuyễn triết lí của mình. Van de Beek và Antony là 2 ví dụ cụ thể nhất. Họ từng chơi rất ấn tượng ở Ajax dưới sự chỉ đạo của Ten Hag. Nhưng ở M.U, cả 2 đều gây thất vọng. Van de Beek đã ra đi, còn Antony chẳng thể chiếm suất đá chính trong đội hình của Ten Hag. De Ligt là cầu thủ tiềm năng, phát triển từ rất sớm nhưng đã chững lại. Anh không để lại dấu ấn rõ rệt nào trong màu áo Juventus và Bayern Munich, ít nhất là so với số tiền rất lớn mà 2 đội bóng này đã đầu tư (75 triệu euro và 67 triệu euro). Ở Bayern Munich mùa trước, De Ligt thậm chí còn không thể cạnh tranh vị trí với Eric Dier, trung vệ bị coi là “hàng thải” của Premier League. Ở đội tuyển Hà Lan, trung vệ này cũng mất suất đá chính. Anh được triệu tập tham dự VCK EURO 2024 nhưng là 1 trong 3 cầu thủ (không tính 2 thủ môn dự bị) không được Hà Lan sử dụng. Thứ hai, De Ligt còn bị coi là thương vụ rủi ro bởi tiền sử chấn thương. Mùa trước, trung vệ này đã phải nghỉ 80 ngày, bỏ lỡ 20 trận đấu vì 4 chấn thương khác nhau. Nhìn xa hơn, trong khoảng thời gian khoác áo Juventus và Bayern Munich, De Ligt đã dính 14 chấn thương khác nhau. Đây được cho là 1 trong những nguyên nhân khiến trung vệ này không thể phát huy tiềm năng bứt phá của mình. De Ligt không còn là chính mình, bị coi là canh bạc chuyển nhượng của Man Utd Và thứ ba, Premier League là môi trường cực kì khắc nghiệt. Các trung vệ để thành công đòi hỏi kĩ năng phản xạ nhanh và khả năng đọc tình huống. De Ligt chơi tốt ở giải VĐQG Hà Lan nhưng gây thất vọng ở Serie A và Bundesliga. Vậy lấy gì để bảo đảm trung vệ này sẽ chơi tốt khi tới Premier League? Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng M.U nên chiêu mộ Jarrad Branthwaite nếu cần sự an toàn. Mặc dù còn khá trẻ (22 tuổi) nhưng trung vệ này đã trải qua 4 năm khoác áo đội 1 Everton. Ở Premier League mùa trước, Branthwaite đã thi đấu 35 trận, giúp The Toffees trụ hạng bất chấp án phạt nặng của BTC. Thứ tư, thành công hay thất bại của 1 thương vụ phụ thuộc khá lớn vào hệ thống. Rất khó để 1 trung vệ đẳng cấp có thể chứng tỏ năng lực ở Man Utd nếu nhiều vị trí khác của Ten Hag đang gặp vấn đề. Đây là vấn đề lớn nhất khiến M.U thường xuyên thất bại trong chuyển nhượng. Thành công trong bóng đá không đơn giản là trò chơi lego… |